Trong 5 ngày nghỉ Lễ 30/4 – 1/5 (từ 27/4 – 1/5/2024), ngành du lịch ước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú.
Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên phạm vi toàn quốc đạt khoảng 60%, trong những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số điểm đến ven biển đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100% trong thời gian nghỉ lễ.
Hầu hết các địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Du lịch biển vẫn là lựa chọn ưu tiên của du khách trong kỳ nghỉ lễ năm nay, cụ thể:
Thanh Hóa là địa điểm du lịch top đầu được người dân lựa chọn với khoảng 1,5 triệu lượt khách, tăng 27,2%, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.805 tỷ đồng, tăng 32,8%.
Sau đó là Quảng Ninh với hơn 1 triệu lượt khách, tăng 48,0%, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.210 tỷ đồng, tăng 53%.
Các tỉnh ven biển miền Trung cũng đón lượng khách đáng kể như Khánh Hòa phục vụ khoảng 969.950 lượt khách, tăng 21,5%, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.306,7 tỷ đồng, tăng 53%.
Bà Rịa – Vũng Tàu đón khoảng 626.360 lượt khách, tăng 25%, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 668,8 tỷ đồng, tăng 12,5%.
Đà Nẵng phục vụ khoảng 336.000 lượt khách, tăng 11,6%, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.336 tỷ đồng, tăng 12,7%.
Nghệ An phục vụ khoảng 950.000 lượt khách, tăng 22%, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.
Thủ đô Hà Nội và TP HCM vẫn nằm trong top điểm đến du lịch nghỉ lễ năm nay nhưng lượng khách tăng trưởng không quá cao so cùng kỳ năm 2023 khi Hà Nội đón khoảng 737.900 lượt khách, tăng 4%, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.500tỷ đồng, tăng gần 10% và TP HCM phục vụ khoảng 969.000 lượt khách, tăng 2%, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.235 tỷ đồng, tăng 3,4%.
Theo Cục Du lịch quốc gia, nhìn chung kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài 5 ngày nên hầu hết các điểm đến đã đón lượng khách nhiều hơn và thời gian lưu trú dài hơn. Doanh thu cũng tăng cao hơn so cùng kỳ năm 2023.
Số lượng khách quốc tế vẫn có đà tăng trưởng tốt dù đã qua mùa cao điểm. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được bảo đảm.
Hoạt động du lịch tại các địa phương cũng đã được chuẩn bị chu đáo ngay từ trước nghỉ lễ, nhiều hoạt động kích cầu du lịch, giảm giá, khuyến mại sản phẩm đã được triển khai.
Việc di chuyển của du khách cũng được thay đổi để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao. Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet đã tăng thêm các chuyến bay đêm, đưa máy bay thân rộng vào khai thác nội địa để góp phần bổ sung/tăng tải cung ứng.
Ngành đường sắt tăng thêm các chuyến tàu từ Hà Nội đi Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Lào Cai, TP HCM và ngược lại từ TP HCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn và giảm giá vé dành cho khách đi tàu. Các bến cảng thủy nội địa đã tăng thêm các chuyến tàu ra đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc…
Bên cạnh đó, để thích ứng với giá vé máy bay nội địa tăng cao, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đa dạng hóa loại hình tour theo hướng tăng tour đi xe ô tô chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp các phương tiện tàu hỏa, ô tô, đường thủy ở những chặng xa, vừa giảm giá thành tour, vừa tăng trải nghiệm cho khách.
Dịp lễ năm nay cũng ghi nhận sự gia tăng của xu hướng du khách tự lái xe tới điểm đến trong bán kính gần để có thể tự do khám phá, trải nghiệm và tăng tính chủ động xuyên suốt hành trình.
Nguồn: Mekong Asean