Nối tiếp đà tăng trưởng ấn tượng năm 2023, ngành du lịch Bình Thuận trong năm 2024 tiếp tục được kỳ vọng sẽ là một năm bùng nổ với mục tiêu đón 9,5 triệu lượt khách, bội thu cả về hình ảnh thương hiệu lẫn doanh thu nhờ sức bật từ các tuyến cao tốc đã đi vào khai thác, đặc biệt là sự phát triển của các đô thị du lịch biển và giải trí đang tạo “cơn sốt” với du khách.
Chào đón đại lễ 30/4 năm nay, tỉnh Bình Thuận đã đưa tuyến đường Hàm Kiệm – Tiến Thành dài 7,7km vào thông xe kỹ thuật sau nhiều nỗ lực thi công ngày đêm. Đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và quốc lộ 1A với khu vực ven biển phía nam TP Phan Thiết, nơi tọa lạc của nhiều tổ hợp, đô thị du lịch biển quy mô.
Đường ngắn lại, du lịch tăng nhanh hơn
Sau khi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đưa vào khai thác, cộng hưởng cùng thế mạnh du lịch biển và nhiều hoạt động lễ hội sôi động, Bình Thuận đã từng bước trở thành tâm điểm trong “tứ giác vàng” về du lịch của phía Nam.
Trong 2023, tỉnh Bình Thuận đón gần 8,5 triệu lượt khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng và góp mặt vào danh sách 10 tỉnh, thành phố trên cả nước có doanh thu du lịch trên 10.000 tỷ đồng.
Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục diễn ra ổn định sau kỳ nghỉ đầu năm, tính chung quý I/2024, lượng khách du lịch đến vui chơi và nghỉ dưỡng tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt gần 2,2 triệu lượt khách. Có thể nói, hạ tầng kết nối nhanh, chỉ cách TP.HCM 1 giờ 30 phút di chuyển qua cao tốc, đã tạo nên cú hích mới cho du lịch, thậm chí đã “vẽ” lại bản đồ thị trường du lịch trong nước.
Hiệp hội Du lịch Bình Thuận nhìn nhận, các tuyến cao tốc không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Bình Thuận, tạo ra trục hành lang kinh tế vùng mà còn tạo bước đột phá mới cho ngành du lịch. Có cao tốc, khách đã đi nhanh hơn, chủ động lịch trình, thời gian ở lại chơi nhiều hơn, giúp lượng du khách đổ về Bình Thuận liên tục tăng. Không có nơi nào gần TP.HCM, chỉ chưa đến 2 giờ di chuyển mà có nhiều tiện ích du lịch, vui chơi giải trí, ẩm thực như Phan Thiết – Bình Thuận hay Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây chính là yếu tố tiên quyết để thị trường du lịch phát triển.
Đặc biệt, trong bối cảnh giá vé các chặng bay đến các điểm du lịch đang tăng cao, du khách phải mất nhiều thời gian chờ đợi, thường xuyên bị trễ chuyến thì các điểm đến hấp dẫn có kết nối đường bộ thuận tiện như Bình Thuận sẽ sở hữu lợi thế lớn để du lịch cất cánh.
Để phát huy hết tiềm năng và lợi thế du lịch tỉnh, trong quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2030, Bình Thuận đã và đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ.
Bên cạnh tuyến đường Hàm Kiệm – Tiến Thành vừa thông xe kỹ thuật sáng ngày 30/4, trong năm 2024, tỉnh cũng sẽ nâng cấp và mở rộng tuyến ĐT719 từ đường Trần Quý Cáp đến ngã ba đường Hòn Giồ – Thuận Quý, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội địa phương khi khu vực biển phía nam Bình Thuận từ Tiến Thành đến Lagi hiện có nhiều khu du lịch quy mô đang được đầu tư; trong đó có Đô thị kinh tế du lịch biển & giải trí NovaWorld Phan Thiet – điểm đến hút khách suốt thời gian qua.
Ngoài ra, tuyến đường ven biển đi qua Tp. Phan Thiết và kết nối đến các điểm du lịch dọc bờ biển của Phan Thiết với tổng vốn đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng đang được gấp rút triển khai phương án xây dựng; Sân bay Phan Thiết dự kiến khai thác giữa năm 2025 sẽ càng tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, du lịch Bình Thuận.
Sức bật cho đô thị kinh tế du lịch biển và giải trí NovaWorld Phan Thiet
Tuyến đường Hàm Kiệm – Tiến Thành thông xe sẽ kết nối liền mạch cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết qua QL1A đến Tiến Thành, rút ngắn quãng đường từ cao tốc đến các đô thị du lịch biển phía Nam Bình Thuận chỉ còn khoảng 10 phút di chuyển. Tận dụng cơ hội này, các đô thị du lịch trên địa bàn đã liên tục phát triển những sản phẩm du lịch đa dạng đáp ứng nhu cầu của mọi tệp du khách, từ đó giữ chân du khách lâu hơn và thu hút khách quay lại nhiều hơn.