Sau một năm Michelin Guide vinh danh các nhà hàng, quán ăn tại Việt Nam, ẩm thực Việt đã có những tác động tích cực rất rõ rệt. Điều đó mở ra cơ hội cho cho du lịch ẩm thực Việt Nam, khi mà năm 2024 dự báo là một năm nổi bật với các xu hướng du lịch mới.

Sức hút của ẩm thực Việt

Trong báo cáo về xu hướng du lịch 2024 mới được trang Booking.com công bố gần đây, “trải nghiệm ẩm thực” đứng trong top xu hướng du lịch năm 2024 dựa trên kết quả khảo sát gần 28.000 du khách tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo một khảo sát của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), có đến 81% du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ dành khoảng 25 – 35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch.

Việt Nam được đánh giá là một trong điểm đến hấp dẫn về ẩm thực, nhiều món ăn Việt đã ghi danh trên bản đồ ẩm thực quốc tế, như phở, bánh mì, bún chả, hủ tiếu, bánh xèo… Trong 5 năm liên tiếp (2019 – 2023), Việt Nam chiến thắng ở nhiều hạng mục du lịch ẩm thực do tổ chức World Travel Awards bình chọn cùng hàng loạt giải thưởng danh giá khác.

Ẩm thực Việt cũng được quảng bá và truyền thông đánh giá cao ở nhiều quốc gia. Chuyên trang du lịch Travel + Leisure (Mỹ) từng nhận xét, Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn trong khu vực châu Á. Kênh CNN viết Hội An là một trong những điểm đến ẩm thực hàng đầu tại Việt Nam và món ăn đặc trưng nhất làm nên tên tuổi của khu phố cổ này chính là món cao lầu. Cuối năm 2023, tại quảng trường Thời đại (New York – Mỹ), cơm tấm Phúc Lộc Thọ, bánh mì Huỳnh Hoa, cơm thố Anh Nguyễn, bún bò Huế An Cựu… đã được chiếu trên màn hình led quảng cáo ngoài trời của tòa nhà Nasdaq…

Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định, du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam. Theo đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng; chú trọng cung cấp các trải nghiệm khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại điểm đến gắn với các món ăn, đồ uống; quan tâm chia sẻ với du khách không gian ẩm thực hay văn hóa ứng xử trên bàn ăn theo truyền thống, từ đó nâng hành trình khám phá du lịch ẩm thực lên một tầm cao mới.

Nhận định về vai trò của ẩm thực với du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Ẩm thực có vai trò quan trọng trong việc tạo nên cảm xúc cho du khách ở mỗi điểm đến. Do đó, ngành nhà hàng, ẩm thực không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế – xã hội, mà còn đóng góp cho việc xây dựng hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới”.

Đánh giá về tiềm năng ngành ẩm thực trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch bền vững, ông Phạm Hải Quỳnh – Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng VCTC, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á (ATI) cho biết: Ẩm thực có khả năng kết hợp các yếu tố về văn hóa, lịch sử và địa lý để tạo ra trải nghiệm du lịch độc đáo. Trong thời đại ngày nay, du khách luôn tìm kiếm trải nghiệm độc đáo, phù hợp với cảm xúc và giá trị cá nhân của họ. Do đó, ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân du khách, đặc biệt trong ngành Du lịch nơi mà việc bảo vệ văn hóa địa phương và tài nguyên thiên nhiên là ưu tiên hàng đầu.

Nhằm tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024”. VCCA đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh thành, qua đó, đã lựa chọn được 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Trong đó, có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam. Thủ đô Hà Nội có 4 món ăn được vinh danh trong danh sách này, đó là: Phở Hà Nội, bún ốc (bún ốc nguội, bún ốc nóng), cốm làng Vòng (bánh cốm, chè cốm, xôi cốm, chả cốm), bún thang.

Trong những năm gần đây, ẩm thực Hà Nội được đánh giá, xếp hạng cao bởi nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới, như: Top 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới (National Geographic – 2014); top 10 và top 50 món ăn ngon nhất thế giới (CNN Travel – 2015, 2016); đứng thứ 2 trong 18 thành phố có văn hóa ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới (Telegraph – 2017)… Hà Nội xếp vị trí thứ 3 trong danh sách 10 điểm đến ẩm thực tốt nhất thế giới năm 2023 do trang web du lịch lớn của Mỹ – TripAdvisor công bố, trong đó bún chả, kem Tràng Tiền, cà phê sữa… được đánh giá 4 đến 4,5 sao trên Tripadvisor. Mới đây, Hà Nội tiếp tục đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng Điểm đến ẩm thực tốt nhất năm 2024 do TripAdvisor công bố. “Travelers’ Choice Best of the Best” là giải thưởng uy tín thường niên được trao dựa trên đánh giá và ý kiến từ cộng đồng khách du lịch của TripAdvisor. Tháng 1/2024, du lịch trải nghiệm Ẩm thực truyền thống Bắc bộ – làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) vinh dự được trao giải thưởng Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN… Với nhiều món ăn đặc trưng, được xếp thứ hạng cao, Hà Nội ngày càng thu hút nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Năm 2023, lần đầu tiên cẩm nang Michelin Guide đến Việt Nam và công bố danh sách gồm 103 nhà hàng được đề xuất: 70 nhà hàng Michelin Selected; 29 nhà hàng giá cả phải chăng Bib Gourmand; và 4 nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam được gắn một sao Michelin. Hà Nội cũng có 3 nhà hàng nhận được vinh dự này, cho thấy sự phát triển của ẩm thực Thủ đô.

Các chuyên gia nhận định, ẩm thực Việt có nền tảng thuận lợi để vươn tầm thế giới, xuất hiện trên những bàn ăn đẳng cấp. Theo Nghệ nhân ẩm thực nhân dân Phạm Thị Ánh Tuyết, ẩm thực vừa là di sản cần được lưu giữ, vừa là nguồn sáng tạo giàu tiềm năng cho mục đích thương mại. Cũng vì vậy, ẩm thực là một phần không thể tách rời trong hệ sinh thái của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là ngành công nghiệp du lịch. Du lịch ẩm thực, hay gần đây còn được gọi bằng tên “du lịch di sản ẩm thực”, đóng góp lớn vào việc thu hút du khách. Trải nghiệm ẩm thực độc đáo và chân thực tăng sức hấp dẫn của một thành phố hoặc khu vực”.

Để du lịch ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới

Du lịch ẩm thực có sức hút và tiềm năng dồi dào, tuy nhiên để khai thác hiệu quả, đòi hỏi ngành Du lịch phải xây dựng được “bản đồ ẩm thực” tại các địa phương, vùng miền. Theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, việc xây dựng “Bản đồ ẩm thực Việt Nam” sẽ góp phần tôn vinh, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, từ đó trở thành động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024” của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) hướng tới xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam”.

Bàn về giải pháp phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam nói chung, du lịch ẩm thực địa phương nói riêng, ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm Đầu bếp Việt Nam cho rằng: “Để phát huy được hiệu quả ẩm thực, đầu tiên chúng ta phải quảng bá mạnh mẽ hơn nữa; đồng thời, chú trọng chất lượng món ăn, chất lượng dịch vụ. Chúng ta cũng cần phải thống nhất tính đặc trưng, tính truyền thống văn hóa, qua đó nhận dạng rõ nét hơn bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam. Từ sự thống nhất về bản sắc, sẽ phát triển sản phẩm mới đa dạng hơn phục vụ khách du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường; dần dần tiến tới nghệ thuật hóa ẩm thực, biến ẩm thực thành “vũ khí” quảng bá hiệu quả cho du lịch; đồng thời tạo cho hoạt động kinh doanh ẩm thực trong du lịch hiệu quả hơn.”.

Nhiều ý kiến cho rằng để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trong lĩnh vực ẩm thực, cần tập trung vào việc phát triển các món ăn truyền thống đặc sắc của địa phương. Theo ông Nguyễn Thường Quân, “đặc trưng của ẩm thực Việt Nam phải thể hiện được sản phẩm nông nghiệp của mình như: những món nước có nguồn gốc từ gạo như bún, phở, miến…; những món cuốn như nem rán, nem cuốn…; những món có sử dụng nước mắm như thịt kho, cá kho…; hoặc là những món bánh có nguồn gốc từ gạo như bánh xèo, bánh khọt, bánh nậm, bánh răng bừa, bánh giò… và nhiều loại bánh khác ở các vùng miền”. Còn theo ông Phạm Hải Quỳnh, “việc kết hợp giữa ẩm thực và hoạt động trải nghiệm như chợ truyền thống, lễ hội ẩm thực, hay trải nghiệm làm đầu bếp cùng người địa phương đều có thể là cách hiệu quả để thu hút du khách”.

Để tạo đà cho du lịch ẩm thực Việt Nam thăng hoa, vươn ra thế giới, có ý kiến cho rằng nên đầu tư cho các sản phẩm du lịch ẩm thực, đặc biệt là tour ẩm thực Michelin. Đánh giá tour ẩm thực Michelin có thể giúp nâng tầm vị thế của du lịch ẩm thực Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới; tuy nhiên, ông Phạm Hải Quỳnh lưu ý: “cần đảmảo rằng việc phát triển tour này đi đôi với việc bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống của địa phương, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa”. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thường Quân cho rằng: “Đối với nhiều người, Michelin là một trang chỉ dẫn ẩm thực uy tín. Không chỉ thế, Michelin còn mang đến uy tín cho điểm đến, nhà hàng nơi mà Michelin cấp chứng nhận, cấp sao. Đó là sự khẳng định về mặt chất lượng, dịch vụ, tính ổn định, tính được yêu thích cũng như đẳng cấp chất lượng quốc tế của nền ẩm thực, nhà hàng được nhiều sao Michelin. Tuy nhiên, Michelin không phải là tiêu chí duy nhất, không phải là trang chỉ dẫn duy nhất mà khách du lịch tham chiếu. Vì Michelin thường đồng nghĩa với giá cao, đắt đỏ, khó đặt dịch vụ (từ 2 sao trở lên); vấn đề về cảm nhận món ăn cũng là thử thách với người thưởng thức. Chính vì vậy, ngoài Michelin ra, chúng ta còn cần thêm nhiều tham chiếu nữa: cần sự bình luận, cần uy tín, cần sự giới thiệu của nhiều trang ẩm thực nữa mới có thể khẳng định được sự hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam.”.

Trên hết, để khai thác hiệu quả nguồn lực và tiềm năng của ẩm thực trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan bao gồm đơn vị cung cấp ẩm thực, phương. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc phát triển đội ngũ đầu bếp, bởi họ cũng chính là một trong những lực lượng lao động quan trọng trong ngành Du lịch. Khi Việt Nam đã trở thành điểm đến của du khách quốc tế, “đội ngũ đầu bếp ngoài biết nấu những món ngon của Việt Nam thì phải có trình độ, hiểu biết để sử dụng các máy móc kỹ thuật, để làm việc đội nhóm để có thể một lúc phục vụ nhiều khách hàng, để đa dạng phong cách nấu ăn…” – ông Nguyễn Thường Quân nhấn mạnh.

Đề cập tới nguồn nhân lực du lịch trong lĩnh vực ẩm thực, TS. Phạm Mạnh Cường – Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng: Nguồn nhân lực du lịch nói chung và nhân lực lĩnh vực ẩm thực nói riêng phải được nâng cao chất lượng là mục tiêu và sứ mệnh của các cơ sở đào tạo ẩm thực tại Việt Nam. Việt Nam cần xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra; xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên ngành giỏi lý thuyết, thạo thực hành nghề nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy; tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo.

Theo thống kê gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống từ quy mô nhỏ đến lớn bao gồm cả các cửa hàng thức ăn nhanh, quán cà phê, quán bar/pub. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trên tổng số lao động nghề bếp được đào tạo một cách bài bản. Để công tác đào tạo nhân lực nghề bếp, đặc biệt là đội ngũ đầu bếp giỏi nhằm đáp ứng việc làm tại khách sạn, nhà hàng nói riêng, góp phần chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cộng đồng nói chung, tăng cường hội nhập quốc tế, nâng cao hơn nữa vị thế của ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế, thì việc tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa phương pháp đào tạo, giới thiệu việc làm nghề bếp, tăng cường liên kết quốc tế trong đào tạo nghề… là những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu.

Từ thực tiễn trên, với sự ủng hộ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ ngành liên quan, các cá nhân có uy tín, tâm huyết với đào tạo và việc làm nghề bếp đã tự nguyện và tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, kêu gọi thành lập Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm Đầu bếp Việt Nam. Theo đó, ngày 26/3/2024, Đại hội thành lập Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm Đầu bếp Việt Nam nhiệm kỳ 2024 – 2029 đã diễn ra tại Hà Nội. Ban Chấp hành giai đoạn 2024 – 2029 gồm 35 thành viên, đứng đầu là ông Nguyễn Thường Quân – Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm Đầu bếp Việt Nam.

Việc phát triển công tác dạy nghề và việc làm nghề bếp rộng khắp trong cả nước, nâng cao chất lượng nghề bếp, phù hợp với xu thế phát triển, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới, góp phần kế thừa, phát huy, lan toả tinh hoa ẩm thực Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành “Bếp ăn của Thế giới”, góp phần vào sự tăng trưởng của du lịch.

Nguồn: Trang Phúc Hiền/Vtr.org.vn