Trong bối cảnh khan hiếm vé của ngành hàng không, những chuyến tàu chất lượng cao, tàu du lịch, kết nối di sản đang được ngành đường sắt đẩy mạnh khai thác, và trở thành xu hướng du lịch nhiều người ưa thích lựa chọn. Du lịch Hè năm 2024 bằng đường sắt hứa hẹn là trải nghiệm đáng thử cho người dân.
Thời gian qua, ngành Đường sắt liên tiếp ra mắt các chương trình, sản phẩm độc đáo với mục tiêu nâng cao chất lượng, gắn du lịch với “đánh thức di sản”, chứ không chỉ còn là cung cấp dịch vụ vận tải đơn thuần. Các chuyến tàu du lịch được hành khách ưa chuộng như: Hà Nội – Hải Phòng với trải nghiệm ẩm thực – food tour Hải Phòng; đoàn tàu kết nối di sản miền Trung Huế và Đà Nẵng…
Dịp Lễ 10/3 và kì nghỉ 30/4 – 1/5 chuẩn bị mở màn cho hè năm 2024, nhiều đơn vị lữ hành cho biết, một số tuyến đường sắt từ Hà Nội đi Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng… trong tháng 4 và tháng 5 đã kín vé tàu.Để phục vụ người dân, ngoài những mác tàu chạy cố định, dịp Lễ 30/4 – 1/5 và cao điểm Hè sắp tới, ngành Đường sắt tăng cường nhiều mác tàu phục vụ hành khách di chuyển được thuận tiện hơn và tiếp tục áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá. Các tàu được bổ sung gồm Hà Nội – Đồng Hới, Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Thanh Hóa, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng…
Do đó, hè này, người dân có thể lựa chọn tàu hỏa để làm phương tiện di chuyển đến nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn trong nước với chi phí hợp lý và nhiều trải nghiệm mới mẻ.
Tối 14/4 tại Ga Đà Lạt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức khai trương chạy tàu đêm tuyến Đà Lạt – Trại Mát, với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt”.
Ngoài các đôi tàu chạy thường xuyên vào ban ngày, VNR sẽ tổ chức chạy thêm 2 đôi tàu ĐL11/Đ12 và ĐL3/ĐL14, xuất phát từ Ga Đà Lạt vào các khung giờ 18 giờ 15 phút (ĐL11) và 20 giờ 20 phút (Đl13) để phục vụ hành khách. Ở chiều ngược lại, tàu DL12 xuất phát tại ga Trại Mát lúc 19 giờ 15 phút và DL14 xuất phát lúc 21 giờ 20 phút.
“Hành trình đêm Đà Lạt” là sản phẩm du lịch VNR đưa vào khai thác nhằm tiếp tục mang đển cho hành khách những trải nghiệm mới, cảm nhận vẻ đẹp của Đà Lạt về đêm, góp phần đa dạng dịch vụ và phát triển du lịch địa phương.
Tuyến Đà Lạt – Trại Mát có chiều dài 6,7 km, là phần còn lại của tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt, dài 84 km, nối Ninh Thuận với Lâm Đồng được đưa vào khai thác năm 1932, do người Pháp xây dựng. Đây là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam phục vụ du khách tham quan TP Đà Lạt.
Với hành trình chạy tàu khoảng 1 tiếng (30 phút chiều đi và 30 phút chiều về) và tốc độ chạy tàu chậm, vào ban ngày, du khách có thể thoải mái thư giãn ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt và vào ban đêm, vẻ đẹp của Đà Lạt lại vô cùng huyền ảo, khác lạ. Khác với Đà Lạt nhộn nhịp và sầm uất, khi đến Trại Mát, du khách có thể cảm nhận vẻ nhẹ nhàng, yên bình với những đồi thông reo trong gió, khung cảnh thơ mộng làm say lòng người.
Trước khi lên tàu, du khách có thể tham quan, check in tại ga Đà Lạt, công trình kiến trúc cổ độc đáo được lấy cảm hứng thiết kế từ núi Langbiang huyền thoại và mái nhà rông Tây Nguyên truyền thống hoặc check in tại những toa tàu cổ mang phong cách Đông Dương.
Điểm khác biệt trên “Hành trình đêm Đà Lạt” là ngoài việc được thưởng thức âm nhạc, trà atiso và sử dụng wifi miễn phí như các đoàn tàu khác, trên hành trình, du khách còn có thể thưởng thức tiệc tối theo yêu cầu (chưa có trong giá vé).
Riêng trong ngày khai trương, VNR mở phòng chiếu phim tài liệu về lịch sử hình thành ga Đà Lạt, tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt; tổ chức mini show đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Thanh âm Mộc và Đà Lạt” với sự thể hiện của ca sĩ Mộc San (Mộc San là một người con của quê hương Đà Lạt, thành công chinh phục khán giả yêu nhạc Trịnh bằng giọng ca mộc mạc, day dứt, khắc khoải và được mệnh danh là “Làn gió mới của dòng nhạc Trịnh”), Quốc Đại, Hoàng Minh Viễn, Hiền Lê, Leo Minh Tuấn, ghi ta Nhật Đông, saxo Hoàng Thi.