Mới đây, Savills Châu Á – Thái Bình Dương đã công bố Báo cáo khảo sát Prime Benchmark – Xác định quy chuẩn giá thuê do đơn vị này thực hiện. Báo cáo này đã cung cấp những thông tin về hoạt động của thị trường cho thuê tại nhiều thành phố khác nhau trong khu vực Châu Á.
Giá thuê văn phòng tại Việt Nam vẫn khá khiên tốn
Theo báo cáo này, thị trường cho thuê văn phòng cao cấp trong cho vực cho thấy xu hướng phục hồi nhưng khá chậm trong nửa cuối năm 2023 với chuyển động giá thuê dao động từ -4.6% (Manila) đến 12% (Mumbai). Hầu hết các thành phố đang nằm trong giai đoạn cuối tăng trưởng, cuối suy giảm hoặc đang suy giảm.
Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế vĩ mô đi kèm bất ổn thị trường ngày càng gia tăng, chỉ 9 trong số 21 thị trường ghi nhận mức tăng trưởng về giá thuê tính theo đồng nội tệ. Các thị trường này đang gặp tình trạng thiếu nguồn cung cao cấp, đặc biệt tại Mumbai, Brisbane, Seoul và một số thị trường lớn ở Đông Nam Á như Singapore hay Kuala Lumpur.
Ngược lại, nhiều thị trường đang đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung văn phòng với tỷ lệ lấp đầy thấp, tạo áp lực lên giá thuê như Manila, Quảng Châu hay Hong Kong. Đối với đồng đô la, việc đồng đô la tăng mạnh có những tác động khác nhau tới một số thị trường có đồng tiền nội địa yếu hơn như Trung Quốc và Nhật Bản.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: “Trong tương quan với các thị trường tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, giá thuê văn phòng tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Đặc biệt tại thị trường Hà Nội, số lượng dự án lớn ra mắt từ nay đến 2026 có thể gây áp lực lên giá thuê, đặc biệt là ở các dự án Hạng A. Thêm vào đó, trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định. Do đó, đây là thời điểm để các khách thuê lựa chọn mặt bằng cao cấp với ngân sách hợp lý”.
Tương tự, nhờ hưởng lợi từ các hoạt động du lịch mạnh mẽ và mức tiêu dùng nội địa tăng cao, thị trường trung tâm thương mại ghi nhận mức giá thuê ổn định hoặc tăng nhẹ tại nhiều khu vực. Trong đó, một số thị trường như Hà Nội (5.7%), Osaka (5.4%) và Hong Kong (3.2%) ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất.
Seoul là thị trường duy nhất ghi nhận mức giảm -5.9% về giá thuê theo đồng nội địa, do mức tiêu dùng giảm sút và thị trường người thuê chiếm ưu thế. Trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và chi tiêu tiêu dùng giảm sút sẽ ảnh hưởng tới việc phục hồi giá thuê. Tuy nhiên, thị trường du lịch phục hồi sẽ phần nào mang tới những diễn biến tích cực hơn.
Chuyên gia của Savills nhận định, trong những tháng đầu năm 2024, thị trường Hà Nội tiếp tục ghi nhận mức độ quan tâm lớn từ các thương hiệu quốc tế và mức phục hồi nhất định. Một số thương hiệu đã hoàn thành việc nghiên cứu khả thi hoặc đang trong quá trình thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên, mức phục hồi có sự không đồng đều. Một số trung tâm thương mại lớn ghi nhận tăng trưởng về doanh số, nhưng các trung tâm thương mại khác lại khó cạnh tranh về giá và công suất thuê.
Khách sạn, căn hộ dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng
Báo cáo này cũng cho thấy, biến động giá thuê trên hầu hết các thị trường được ghi nhận mức ổn định. Một số thị trường ghi nhận mức tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2023, được hỗ trợ bởi nhu cầu ổn định đối với căn hộ cao cấp bao gồm Hong Kong, Osaka và Quảng Châu.
Theo ông Matthew Powell, tại Việt Nam, nguồn vốn FDI tăng mạnh tiếp tục thúc đẩy tình hình phục hồi của phân khúc căn hộ dịch vụ. Thêm vào đó, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển các khu, cụm công nghiệp như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đồng thời thành phố sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng điện, viễn thông, thông tin để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, điều này sẽ có thể mang đến những tác động tích cực lên nguồn cầu tương lai của phân khúc căn hộ dịch vụ.
Còn với loại hình Khách sạn – điểm sáng của thị trường với giá phòng ghi nhận mức tăng nhờ sự phục hồi trong số lượng khách du lịch quốc tế. Trong đó, Hong Kong là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng giá phòng lớn nhất toàn khu vực, hưởng lợi từ việc khách Trung Quốc đại lục bắt đầu trở lại du lịch.
Các địa điểm du lịch nổi tiếng khác đồng thời ghi nhận mức tăng trong giá phòng, đơn cử như Hà Nội (tăng 26.2% theo năm), Đài Loan (25.5% theo năm) và TP HCM (14.4% theo năm). Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, giá phòng tại Tokyo và Osaka ghi nhận mức giảm, phần lớn là bởi giá trở lại mức bình thường so với mùa cao điểm trước đó.
Đặc biệt, thị trường logistics cũng ghi nhận có diễn biến khả quan nhất trong các phân khúc khác với biến động giá thuê dao động từ -1.3% (Hong Kong) đến 7.4% (Sydney). Hầu hết các thị trường giữ mức tăng trưởng giá thuê trong nửa cuối năm 2023 nhưng đà tăng trưởng hiện chậm lại do nhu cầu thương mại điện tử giảm dần và hoạt động thương mại toàn cầu chậm lại. Hong Kong là thị trường duy nhất ghi nhận mức giảm trong cuối năm 2023, chủ yếu là do nhu cầu thuê yếu, doanh số bán lẻ phục hồi chậm và hoạt động ngoại thương giảm sút.