Số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/2, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, tính chung 2 tháng đầu của năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 98,5% so với khi chưa xảy ra dịch Covid-19.
Hơn 1,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2024
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế.
Trong tổng số hơn 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không chiếm 84,2%, gấp 1,6 lần cùng kỳ 2023; đường bộ chiếm 12,8%; đường biển chiếm 3%.
Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14%; du lịch lữ hành ước đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 2 tháng đầu năm 2024 của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Hà Nam tăng 88%; Đà Nẵng tăng 86,3%; Hà Nội tăng 49,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 23%; Quảng Ninh tăng 21,5%; Cần Thơ tăng 9%; Hải Phòng tăng 4%…
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Theo Cục Du lich quốc gia Việt Nam, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế, cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 1/3 thông tin: Hai tháng qua, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3 triệu lượt; khách nội địa đạt 14 triệu lượt, trong đó có 4,9 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng. Sự sôi động của hoạt động du lịch cùng kết quả đón khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi rất tích cực của ngành du lịch Việt Nam. Đây là những tín hiệu vui đối với ngành Du lịch nước ta ngay trong thời gian đầu năm 2024, là cơ sở để ngành hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, sau đó là Đài Loan (Trung Quốc), tiếp theo là Hoa Kỳ. Top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Nhật Bản, Australia, Malaysia, Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan. Nhìn chung, 2 tháng đầu của năm, các khu vực đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Nổi bật là sự phục hồi của thị trường châu Á (77,8%), châu Âu (76%), châu Đại dương (36,5%), châu Mỹ tăng nhẹ (8,4%).
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có sự phục hồi rất ấn tượng, cao gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, các thị trường lớn tiếp tục tăng trưởng mạnh là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Các thị trường khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt.
Thị trường tiềm năng Ấn Độ tiếp tục mang đến tín hiệu lạc quan với mức tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 8 trong tốp 10 thị trường hàng đầu. Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng sôi động, nhất là các thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực như: Anh (32,6%), Pháp (34,6%), Đức (7,1%), Italy (82,3%), Tây Ban Nha (48,5%), Nga (58,7%)…
Đã có nhiều chính sách mới, cơ hội mới
Trong Chỉ thị số 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững vừa ban hành cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài ngày…
Đồng thời, nghiên cứu mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (6 – 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 – 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.
Thời gian qua, để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến của du khách quốc tế, nhiều chính sách đã được áp dụng, trong đó phải kể đến chính sách visa mới, thông thoáng hơn, được áp dụng từ giữa tháng 8/2023.
Quan điểm mở rộng diện miễn thị thực để thúc đẩy du lịch từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần đề xuất. Tại Hội nghị Phát triển du lịch được tổ chức vào tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề xuất Chính phủ mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho khách từ các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu nhiều như Australia, Canada, Mỹ… Mặt khác, Việt Nam nên miễn thị thực ngắn hạn cho khách từ thị trường lớn, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ để kích cầu du lịch.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chính sách thị thực thông thoáng cùng sự nỗ lực của các địa phương trong xây dựng sản phẩm, tăng cường quảng bá đã góp sức khiến thị trường du lịch quốc tế tăng mạnh ngay từ đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng để du lịch Việt Nam phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Từ góc nhìn của các doanh nghiệp, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO chia sẻ: “Việc nới lỏng chính sách visa tạo điều kiện để các công ty lữ hành Việt Nam thiết kế sản phẩm du lịch thêm đa dạng, hấp dẫn; tăng cơ hội mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, mang lại lợi ích lâu dài cho ngành du lịch”.
Trên thực tế, mặc dù nhiều nước quy định xuất nhập cảnh rất khắt khe, nhưng tùy mục đích, mục tiêu trong từng giai đoạn, họ có sự điều chỉnh và áp dụng chính sách đó một cách mềm dẻo.
Đề cập về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết, Thái Lan từng áp dụng miễn thị thực 30 ngày, sau đó là 60 ngày, 90 ngày và hiện tại là 108 ngày. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ cũng linh hoạt nới lỏng chính sách về visa để cạnh tranh thu hút khách du lịch. Đại diện Sun Group đề xuất tăng thời hạn visa du lịch từ 90 ngày lên 180 ngày, đồng thời cho phép nhập cảnh nhiều lần để khách có thời gian đi du lịch và chi tiêu nhiều hơn.
Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours, chính sách nới lỏng visa không những hỗ trợ tích cực giúp tăng lượng khách du lịch, mà còn tạo thuận lợi cho giới doanh nhân, nhà đầu tư… đến Việt Nam xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Du lịch Việt Nam trở lại “đường đua”
Mới đây, cẩm nang du lịch Mỹ Travel Off Path đánh giá, Việt Nam là điểm đến an toàn nhất châu Á để ghé thăm trong năm nay. Bên cạnh đó, với nỗ lực quảng bá, xúc tiến thời gian qua, Việt Nam hiện là thị trường được du khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng như Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng mức đã đạt được của năm 2019, tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực.
Chia sẻ tại Diễn đàn Để thu hút khách quốc tế trở lại, bà Ngô Hương, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl cho rằng, thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm “phải đến” của du khách quốc tế, trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo.
“Đã đến lúc chúng ta cần kiến tạo những điểm đến vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Đó chính là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, trở thành điểm ‘phải đến’ tại châu Á”, bà Hương nói.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, thời gian qua, hoạt động xúc tiến, quảng bá được các doanh nghiệp lữ hành triển khai rộng khắp nhằm khẳng định hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tối đa nhu cầu của du khách.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn, song lượng khách quốc tế vẫn tăng cao trong dịp Tết. Đây là tín hiệu mừng để ngành du lịch đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động đón khách, phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 như kế hoạch đề ra”, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.
Với những chủ trương và quyết sách đúng đắn của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực của doanh nghiệp, người dân, du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng bứt phá mạnh mẽ, lấy lại vị thế và sức cạnh tranh bền vững trên bản đồ du lịch quốc tế.